Vay 150 triệu đồng để dốc hết cho việc nghiên cứu quy trình làm "cá ngủ đông", rồi không may rơi trúng vào đợt khủng hoảng cá nhiễm độc ở miền Trung, nhưng với quyết tâm cao, sản phẩm cá sạch của Nguyễn Đức Hiếu đã bắt đầu hồi sinh.
Dưới đây là những chia sẻ về con đường khởi nghiệp đầy gian truân với sản phẩm cá sạch của Nguyễn Đức Hiếu sinh năm 1994 cùng các cộng sự.
Là người con miền biển Bình Thuận sinh ra và lớn lên đã quen ăn cá, đến khi vào Sài Gòn học, tôi cũng được cha mẹ gửi cá vô để dùng. Nhưng có một khoảng thời gian gia đình không gửi vào được, thế là tôi đành phải mua cá ở chợ tại TP HCM. Một lần, không biết ăn cá trúng gì mà tôi bị đau bụng và sốt nặng. Từ đó, tôi bắt đầu quan tâm đến cá sạch.
Tháng 10/2014, tôi bỏ công đi tìm hiểu về nguồn gốc cá đang được mua bán ở một số chợ của TP HCM và phát hiện ra nhiều cá biển bị ướp tẩm các hóa chất bảo quản độc hại, đặc biệt là urê. Việc này thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó để có thể hạn chế phần nào tình trạng cá bẩn đến tay người tiêu dùng. Cuối cùng, tôi và một số cộng sự quyết định cho ra sản phẩm "cá ngủ đông" với thương hiệu M4S.
Từ đầu tháng 12/2015, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu quy trình để tạo ra sản phẩm cá ngủ đông này. Do chưa có nhiều kiến thức nên tôi và các bạn làm cùng phải tự mày mò tìm công thức bằng việc kiếm thông tin trên mạng, thăm dò những người thân có kinh nghiệm về chế biến cá và bắt tay vào làm các cuộc thí nghiệm cơ bản bằng giấy quỳ tím...
|
Nguyễn Đức Hiếu (ở giữa) và nhóm bạn trong dự án cá sạch. Ảnh: Nhân dân.
|
Lợi thế của chúng tôi là có sẵn nguồn cá biển sạch, tươi ngon ở quê và nhu cầu dùng cá sạch rất lớn của người tiêu dùng TP HCM. Tuy nhiên, cái khó là nhóm chưa có ai từng làm nghề biển.
Chúng tôi bắt đầu về quê và bước vào hành trình thực hiện những cuộc khảo sát từ các ngư dân ở miền quê biển Bình Thuận. Tiến hành thu mua nguồn nguyên liệu với tiêu chí là nguồn cá tươi (cá lưới, cá câu, đi trong ngày, đảm bảo độ tươi nhớt). Mỗi loại cá có từng cách bảo quản khác nhau, đòi hỏi phải có kinh nghiệm mới xử lý tốt. Do vậy, chúng tôi đã kết nối được với những người lão luyện trong nghề để đảm trách khâu bảo quản.
Nhà xưởng chế biến cá đặt ngay tại bãi Lạch Dù, huyện Đảo Phú Quý, Bình Thuận. Nguồn cá tươi, có những sản phẩm còn sống giãy đành đạch, sau đó được đưa ngay vào quy trình sơ chế, cấp đông nhanh -45 độ C, nhờ đó đảm bảo được vị tươi.
Với nguyên tắc "thời gian cá mới vừa vào bờ cho đến thời gian đóng gói thành phẩm nhanh chừng nào thì sản phẩm chất lượng chừng đó” nên chúng tôi phải bắt tay vào nghiên cứu quy trình đóng gói nhanh nhất, với 3 tiếng đồng hồ, giúp hải sản tươi lâu mà không dùng hóa chất.
Phương pháp này hoàn toàn dùng các kỹ thuật thủ công, kết hợp kinh nghiệm của các ngư dân tạo thành một chuỗi các bí quyết. Vậy là “cá ngủ đông” ra đời. Sau khi sơ chế để nguyên trạng hoặc làm sạch ruột và được rửa sạch bằng hỗn hợp nước biển, nước đá, cá sẽ được cấp đông trước khi chuyển vào TP HCM. Nghĩa là đảm bảo con cá giữ được nguyên vị như khi được đánh bắt lên từ biển, chỉ tạm bước vào giấc ngủ đông cho đến khi ra mâm cơm của từng gia đình.
Tuy nhiên, để có được kết quả này, chúng tôi từng phải bỏ nhiều lô hàng đã sản xuất ra nhưng gặp lỗi. Trong 6 tháng ròng nghiên cứu, tôi và cộng sự đã làm "bay vèo" 150 triệu đồng (số tiền tôi vay mượn từ gia đình, bạn bè...).
Khi đã đóng gói xong, sản phẩm được trữ trong kho bảo ôn trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Do làm quy mô nhỏ lẻ nên khâu vận chuyển được xem là rất tốn kém, ảnh hưởng đến giá thành.
Tháng 6/2015, tôi bắt đầu thí điểm mở cửa hàng đầu tiên với quy mô khá nhỏ trên đường Bùi Đình Túy, Bình Thạnh, TP HCM với mục đích chủ yếu là để đo lường và phát triển quy trình sản phẩm, nhằm làm cho tốt hơn. Sau thời gian đưa ra thị trường, sản phẩm được đón nhận tích cực, có lúc doanh thu lên gần 10 triệu đồng mỗi ngày.
Khi bắt tay vào khởi nghiệp với nghề cá, chúng tôi đã xác định là rất vất vả, nhưng làm rồi mới thấy nó khó khăn hơn mình tưởng. Bởi bên cạnh những vấn đề có thể đoán định được thì làm ngành cá này còn phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ, thời tiết. Trời giông tố - biển động là xem như không có nguồn đầu vào, giá cả biến động thất thường. Hơn nữa, để có được nguồn cá tươi ngon, đạt chuẩn thì phải trả giá cao hơn. Do đó cạnh tranh giá cũng là một vấn đề lớn.
Bên cạnh đó, những kiến thức, kinh nghiệm về quản lý tài chính của chúng tôi còn quá hạn chế, triển khai mọi thứ quá dàn trải, làm cho chi phí đội lên cao... Ngoài ra, do tôi và các cộng sự thiếu kinh nghiệm về quản lý nhân sự, làm cho các kế hoạch và mục tiêu khó được thống nhất... Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra lỗ hổng về dòng tiền khiến công ty rơi vào khó khăn.
Chưa hết, vào tháng 4/2016, trong khi doanh thu cửa hàng đang đạt 8-10 triệu mỗi ngày thì vụ cá chết do môi trường ở miền Trung ập đến khiến mọi hoạt động gần như ngưng trệ. Doanh thu tụt xuống gần như bằng không, trong khi chi phí vẫn cứ hàng chục triệu mỗi tháng. Công ty đứng trước nguy cơ phá sản và lúc đó tôi gần như muốn buông xuôi.
Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã động viên nhau cùng đứng lên đi tiếp. Hơn nữa, nguồn cá của công ty nằm ở Đảo Phú Quý - Bình Thuận, tức nằm trong vùng không bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết miền Trung. Và điều may mắn hơn là trong lúc khó khăn ấy, chúng tôi được một nhà đầu tư đồng ý rót vốn cho dự án khởi nghiệp này hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi quyết định tập trung huy động vốn để xây dựng lại nhà xưởng quy mô hơn và ra sức thuyết phục người dùng tin tưởng về nguồn cá chất lượng, an toàn.
Sau hơn 3 tháng, khi thị trường bắt đầu ổn định trở lại, lượt mua cá đã bắt đầu hồi phục. Công ty chúng tôi cũng đã có mô hình bán lẻ, phục vụ cho khách đặt hàng và yêu cầu giao tận nơi. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tư vấn cho khách những sản phẩm đặc dụng cho từng đối tượng như: trẻ em, người mang bầu, người già... Nhờ đó, nhiều khách hàng đã tin tưởng và doanh thu cũng đang trên đà tăng trưởng, gần đạt mức như trước đây, dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng theo cách kết hợp với "người khổng lồ", là những đơn vị hoặc cá nhân có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh để tối ưu hóa nguồn vốn và được hỗ trợ một cách tốt nhất nhằm hướng đến mục tiêu trở thành "Vua cá Việt" không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.
Sau khi nếm đủ thất bại thì giờ đây chúng tôi đã từng bước trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Tôi vẫn nhớ mãi bài chia sẻ của Tiến sĩ Alan Phan “cứ đi rồi sẽ đến". Với tôi, quan niệm trong cuộc đời mỗi người có thể chia làm hai giai đoạn, một là dám nghĩ dám làm, hai là nghĩ được làm được.
Chúng tôi cũng rút ra được triết lý rằng, giá trị cốt lõi của dự án chính là sự chính trực, lương thiện, công bằng. Tôi luôn quan niệm, con người có chuẩn mực thì mới làm ra sản phẩm chuẩn được. Đồng thời, chúng tôi luôn răn mình phải học hỏi, sáng tạo và cải tiến liên tục.
Theo: www.vnexpress.net
Nguyễn Đức Hiếu