Giá cả phục hồi khó 'sưởi ấm' ngành than

Giá thế giới tăng hơn 100% trong một năm trở lại đây, song Vinacomin gần đây chỉ tăng giá thu mua từ các doanh nghiệp trong nước 6%.

Giữa tháng 11 này, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ra quyết định điều chỉnh giá bán một số chủng loại than tại thị trường trong nước. Trong đó, than cám như 02-C1, 02-C2, 03-C3A/B và 7A/B/C được điều chỉnh tăng khoảng 6%. Nguyên nhân được đưa ra là tình hình giao dịch các mặt hàng than trên thị trường thế giới khi giá bán đã tăng đột biến từ giữa năm 2016.

Sau hơn 5 năm khủng hoảng, bắt đầu từ năm 2011, giá than thế giới liên tục giảm giá và trở thành mặt hàng ít được chú ý nhất trên thị trường. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2016, dưới tác động của nhiều yếu tố, giá than thế giới đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể. Dữ liệu từ Trading Economics cho biết, các mặt hàng than cốc dùng để luyện kim và than cám đã tăng đột biến trong vòng 4 tháng trở lại đây. Than cốc ghi nhận mức tăng gần 3 lần đạt hơn 300 USD một tấn trong khi than cám tăng từ mức đáy hơn 48,8 USD xác lập vào đầu năm 2016 lên trên 110 USD.

gia-ca-phuc-hoi-kho-suoi-am-nganh-than

Giá than cám thế giới đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn 3 tháng gần đây kể từ mức đáy gần 50 USD/tấn. Nguồn: Trading Economics

Đà phục hồi của giá than có nguyên nhân chủ yếu từ kỳ vọng nguồn cùng trong tương lai sẽ giảm mạnh. Trong đó, chính sách mới của Trung Quốc là nguyên nhân chính, khi mà quốc gia này đã giảm công suất sản xuất than từ 330 ngày một năm xuống còn 270 ngày do vấn đề về môi trường. Bên cạnh đó là sự sụt giảm về sản lượng của Bắc Mỹ, các mỏ than cám ở Indonesia.

Tuy nhiên, giá than nhập khẩu chưa có biến động quá mạnh. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, giá than đá nhập khẩu nửa đầu tháng 10 chỉ tăng khoảng 5,4% so với nửa đầu tháng 6, thời điểm giá than thế giới bắt đầu tăng cao. 

Việt Nam từ vị thế là quốc gia xuất khẩu than lớn với quy mô trên 25 triệu tấn năm 2009 đã chuyển sang nhập khẩu trong thời gian gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước nhập khẩu khoảng 10,5 triệu tấn than đá với giá trị hơn 650 triệu USD, chủ yếu phục vụ nhu cầu từ các nhà máy nhiệt điện. Bộ Công Thương ước tính, đến năm 2020 Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 35 triệu tấn than và tăng lên 135 triệu tấn vào năm 2030.

Mặc dù giá than thế giới tăng mạnh, song theo đánh giá của các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp khai thác than ở trong nước hầu như không có ảnh hưởng lớn, phần lợi thế sẽ dồn về công ty mẹ Vinacomin.

Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng một kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2016 do thực tế, kết quả kinh doanh của công ty mẹ Vinacomin trong 6 tháng đầu năm đã giảm chỉ bằng một phần năm cùng kỳ, với lợi nhuận sau thuế hơn 155 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2015 đạt 763 tỷ đồng). Trong khi chi phí lãi vay tiếp tục gia tăng lên hơn 1.660 tỷ đồng, tương đương tập đoàn phải trả hơn 9 tỷ tiền lãi mỗi ngày.

gia-ca-phuc-hoi-kho-suoi-am-nganh-than-1

Kết quả kinh doanh của công ty mẹ Vinacomin dự báo sẽ khó tăng đột biến dù giá than tăng do lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng một phần năm cùng kỳ.

Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), các doanh nghiệp khai thác than hiện chủ yếu là các công ty con của Vinacomin và hoạt động theo kế hoạch, định mức do công ty mẹ giao. Thực tế các công ty con này được hưởng định mức lãi theo kế hoạch khoảng 3% doanh thu.

Ngoài ra, theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá than trong nước vốn dĩ đã cao hơn nhiều so với giá than thế giới, khoảng 50% - 70% nên việc giá thế giới tăng khoảng 100% thì mức tăng giá trong nước chỉ khoảng 6%.

Trong khi các doanh nghiệp khai thác thác chưa hẳn đã được lợi thì các doanh nghiệp nhiệt điện, đơn vị phải mua than từ Vinacomin với mức giá cao hơn được đánh giá cũng không chịu giá nhiều tác động.

Nhóm phân tích của VCBS cho biết, giá hợp đồng bán điện của các nhà máy nhiệt than với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được điều chỉnh hằng tháng theo giá than thực tế. Do vậy, khi giá than tăng thì giá bán điện cho EVN sẽ tăng lên. Còn lợi nhuận từ việc bán điện trên thị trường cạnh tranh sẽ chịu ảnh hưởng do chi phí nhiên liệu tăng, tuy nhiên việc tăng giá than sẽ tạo áp lực tăng giá trần trên thị trường điện cạnh tranh vào năm sau để giảm bớt gánh nặng cho những nhà máy này.

Đối tượng bị tác động chính theo đánh giá của các công ty chứng khoán là nhóm ngành sản xuất gạch ốp lát sử dụng nhiên liệu bằng than cám và các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Thực tế, giá xi măng trong thời gian qua đang có xu hướng giảm do tình trạng dư cung, đặc biệt là các doanh nghiệp phía bắc. Việc giá than tăng sẽ tác động đến chi phí phát sinh, trong bối cảnh doanh thu giảm sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận.

Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất thép lò cao như Hòa Phát (Mã CK: HPG) phải nhập than cốc từ Australia sẽ chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá chung của thế giới. Điều này sẽ không đem lại lợi thế tương đối cho các doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp nước ngoài.

Minh Sơn

Theo: www.vnexpress.net


Bài viết khác

Scroll