Không chỉ rượu, thịt, sữa..., mà chân và cánh gà - một phụ phẩm ở châu Âu cũng đã nhắm đến thị trường Việt Nam.
Đầu tháng 11, ông Arnaud Van Der Berg đã có dịp đi dạo tại một số siêu thị ở Hà Nội và trò chuyện với một vài người tiêu dùng Việt Nam. Với tư cách là thành viên của Hiệp hội các sản phẩm từ sữa châu Âu (EDA), ông bày tỏ tham vọng muốn ngành sữa khu vực này có thị phần lớn hơn tại thị trường 93 triệu dân.
“Chúng tôi rất hào hứng về tiềm năng giao thương với Việt Nam. Thị trường này đã phát triển 40% vào năm ngoái. Đây là điều đáng kinh ngạc. Chúng tôi muốn có cơ hội ở đây, tiếp cận được người tiêu dùng”, vị này chia sẻ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa từ châu Âu đạt kim ngạch hàng trăm triệu đôla. Một số nước có kim ngạch nhập khẩu lớn vào Việt Nam có thể kể đến như: Đức (37,3 triệu đôla), Hà Lan (32,4 triệu đôla), Pháp (30,8 triệu đôla), Ba Lan (32,3 triệu đôla)… Cùng với sữa, nhu cầu về thịt và rượu từ châu Âu cũng đang tăng mạnh. Chỉ riêng trong giai đoạn 2012-2014, sản lượng thịt nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 7 lần, từ 10 tấn lên 711 tấn - theo số liệu của Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI).
“Người Việt Nam thích thịt heo. Với sự phát triển kinh tế hiện nay thì nhu cầu này sẽ ngày một tăng. Thị trường trong nước không cung cấp đủ nhu cầu thịt sạch cho người tiêu dùng nên chúng tôi sẽ đến cung cấp thịt heo sạch. Chúng tôi đã có kinh nghiệm xuất khẩu thịt heo sang Mỹ nên cũng tự tin tiếp cận thị trường Việt Nam”, ông Knud Buhl - Đại diện Hội đồng nông nghiệp và lương thực Đan Mạch nhận xét.
|
Thực phẩm châu Âu vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng.
|
Không chỉ có thịt heo, thịt bò mà thịt gia cầm châu Âu cũng đang tìm đường sang Việt Nam. “Chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam vì nhận thấy người dân rất chuộng dùng chân và cánh gà, trong khi khách hàng tại châu Âu lại không tiêu thụ nên chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác đôi bên cùng cơ lợi”, ông Paul Lopez - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến thịt gia cầm và Kinh doanh gia cầm tại Liên minh châu Âu (AVEC) cho biết.
Ngành đồ uống có cồn châu Âu cũng quan tâm đến Việt Nam. “Chúng tôi cũng xuất nhiều rượu sang Việt Nam rồi. Sắp tới là thời cơ để chúng tôi tiếp tục tận dụng thị trường này”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu rượu của châu Âu cho biết.
Khi Hiệp định thương mại Tự do EU - Việt Nam có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau 3 năm đối với thịt bò, 7 năm đối với thịt heo đông lạnh, 9 năm đối với các nhóm thịt heo khác và 10 năm đối với thịt gà. Riêng sữa và sản phẩm sữa sẽ được xóa bỏ thuế quan sau 3-5 năm. Đồ uống có cồn được bỏ thuế trong thời gian không quá 10 năm.
“Hiệp định thương mại Tự do EU - Việt Nam vừa mới hoàn thành đàm phán mang lại những cơ hội to lớn cho cả các nhà sản xuất Việt Nam và châu Âu trong việc tìm kiếm những thị trường đang tăng trưởng dành cho nông sản chất lượng cao của cả hai bên. Chúng tôi rất tự tin rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ có ấn tượng tích cực với chất lượng và sự phong phú trong các sản phẩm của chúng tôi”, ông Phil Hogan – Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Liên minh châu Âu nhận định trong chuyến thăm cùng một phái đoàn các doanh nghiệp nông nghiệp sang Việt Nam hôm 2/11.
Ngay cả trái cây, mặt hàng không được Việt Nam ưu đãi nổi bật trong Hiệp định tự do thương mại với châu Âu cũng đang hào hứng. “Chúng tôi có 30.000 hécta táo, chiếm 70% sản lượng tại Italy, và muốn vươn ra ngoài châu Âu. Chúng tôi đang thương lượng với các nhà nhập khẩu tại Việt Nam và họ làm việc rất chuyên nghiệp", đại hiện Hiệp hội sản xuất táo Italy cho biết.
Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định, điều đáng mừng là không chỉ người Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến nông sản – thực phẩm châu Âu mà số lượng người tiêu dùng châu Âu hứng thú với những đặc sản Việt Nam cũng đang gia tăng. Năm 2015, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 20 tỷ euro với châu Âu, chủ yếu là nhờ vào lĩnh vực nông sản – thực phẩm.
“Châu Âu không hạ tiêu chuẩn về nhập khẩu đối với hàng Việt Nam. Những tiêu chuẩn của châu Âu là hàng đầu thế giới về thực phẩm và đồ uống. Theo FTA thì Việt Nam đồng ý chấp nhận các tiêu chuẩn này. Chúng tôi thấy số công ty Việt Nam đáp ứng được chuẩn cũng đang tăng”, cao ủy Hogan nhận xét và cho biết thêm, phía châu Âu đã có kế hoạch mời chuyên gia Việt Nam sang Bỉ để giải quyết các rào cản an toàn thực phẩm. Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chấp thuận. Ngay sáng 4/11, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã bắt tay vào chuẩn cho chương trình này.
Viễn Thông
Theo: www.vnexpress.net